Sự phát sinh và phát triển của bệnh phấn trắng trên vườn cây diễn biến rất nhanh trong thời gian ngắn. Tại thời điểm vườn cây ra lá non, nếu có độ ẩm cao vào buổi sáng (sương mù) cộng với nhiệt độ thấp trong vòng 3 – 4 ngày thì bệnh phấn trắng sẽ xuất hiện. Bên cạnh đó, sự rụng lá và ra lá mới của cây cao su cũng phụ thuộc nhiều yếu tố (thời tiết, dòng vô tính, tuổi cây..) nên có sự biến thiên rất lớn về thời điểm rụng lá giữa các vườn cây, kể cả các cây trong cùng một vườn. Trong mùa bệnh, nấm bệnh luôn có điều kiện thuận lợi để tấn công gây bệnh trên vườn cây. Trong khi, tác động của việc phun thuốc phòng trị bệnh chỉ đạt hiệu quả khi vườn cây chưa nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh ở mức rất nhẹ (cấp 1). Nếu vườn cây đã nhiễm bệnh từ cấp 2 trở lên thì hiệu quả phòng trị bệnh không còn. Có thể nói, công tác phòng trị bệnh phấn trắng muốn đạt hiệu quả cao cần có kế hoạch chuẩn bị chu đáo và tuân thủ nghiêm ngặt qui trình kỹ thuật trong quá trình triển khai.
Công tác chuẩn bị: Căn cứ vào nguồn nhân vật lực của đơn vị (số lượng máy phun cao áp, công suất hoạt động của máy, số nhân công trực tiếp tham gia thực hiện) để lên kế hoạch diện tích dự kiến được phun thuốc. Định hướng chọn đối tượng vườn cây có tiềm năng cho năng suất cao, các vườn cây liền vùng liền khoảnh. Kế hoạch tổ chức phun thuốc phải hoàn tất trước thời điểm giữa tháng 12 hàng năm.
Triển khai thực hiện: Phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng) trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:
(1) Đúng thuốc: Theo Qui trình kỹ thuật cây cao su 2012, để phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cao su kinh doanh, có thể sử dụng các thuốc có hoạt chất hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,2%; hỗn hợp của carbendazim và hexaconazole (Vixazol 275SC, Arivit 250SC) nồng độ 0,2%; diniconazole (Sumi-Eight 12,5WP) nồng độ 0,05% - 0,1% hoặc carbendazim và mancozeb (CaMa 750WP) nồng độ 0,2 - 0,25%. Pha kết hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2%.
(2) Đúng lúc: Phun thuốc lần đầu khi 10% số cây trên vườn có lá non nhú chân chim, lá chưa nhiễm bệnh hoặc mới nhiễm ở mức rất nhẹ (cấp 1). Không phun thuốc khi trên 50% số cây trên vườn có lá giai đoạn xòe rũ (màu xanh nhạt) đã nhiễm bệnh từ cấp 2 trở lên. Đặc biệt, phải đảm bảo chu kỳ xử lý 7-10 ngày/lần.
(3) Đúng cách: Phun phủ đều toàn bộ tán lá, phun thuốc trong khoảng thời gian trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối), không phun thuốc vào thời điểm nắng gắt, nhiệt độ cao.
(4) Đúng liều lượng: 400 – 700 lít/ha tùy thuộc loại máy phun và mật độ lá trên tán.
Trong quá trình triển khai công tác phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh tại một số đơn vị đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Có nhiều vườn cây hiệu quả phòng trị bệnh thấp vì đã không tuân thủ nghiêm túc những yêu cầu nêu trên.
Về công tác chuẩn bị: Một số nơi không căn cứ vào nguồn nhân vật lực của đơn vị đã xây dựng kế hoạch diện tích vườn cây phun phòng trị bệnh quá lớn, vượt khả năng đáp ứng của nguồn lực tại chỗ. Triển khai một cách dàn trải, số lượng máy phun và công suất hoạt động của máy không đủ để xoay vòng kịp thời chu kỳ xử lý 7 – 10 ngày/lần/vườn. Thiếu qui hoạch chi tiết đối tượng vườn cây, vườn cây nào ra lá trước sẽ được sắp xếp phun trước, trong thực tế vấn đề này ít được quan tâm. Bên cạnh đó, hệ lụy của việc xây dựng kế hoạch trễ làm cho công tác triển khai phun thuốc không kịp thời khi nhiều vườn cây đã nhiễm bệnh ở mức phổ biến nên hiệu quả phòng trị bệnh chắc chắn không cao.
Về tuân thủ nguyên tắc đúng thuốc: Hầu hết các đơn vị đều tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc này. Tuy nhiên, một số nơi tự ý pha thêm thuốc khác (ví dụ Sulox 80 WP nồng độ 0,2%), hoặc sử dụng các loại chất bám dính chưa được Viện khảo nghiệm trên cây cao su. Điều này không cần thiết vì tốn kém và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả phòng trị bệnh.
Về tuân thủ nguyên tắc đúng lúc: Một số đơn vị, do lập kế hoạch phun trị trên diện tích quá lớn hoặc triển khai phòng trị bệnh trễ, dẫn đến tình trạng một số vườn đã bị nhiễm bệnh từ mức cấp 2 trở lên vẫn triển khai cho phun. Đối với những vườn cây khi lá đã nhiễm bệnh ở mức độ này, thì việc phun thuốc sẽ không mang lại hiệu quả. Lúc này, tác động của thuốc là diệt nấm nhưng không thể bảo toàn phiến lá nguyên vẹn vì trước đó nấm bệnh đã xâm nhiễm vào mô lá, gây chết mô và để lại những vết thương loang lổ trên phiến lá. Những lá bệnh bị biến dạng, loang lổ này sẽ không rụng và tán lá thưa thớt kéo dài đến mùa mưa mới thay lá rải rác. Do đó, không nên phun thuốc trên những vườn cây có lá giai đoạn xòe rũ (màu xanh nhạt) đã nhiễm bệnh ở mức từ cấp 2 trở lên.
Trong trường hợp này, có thể chờ cho vườn cây rụng lá và ra lá mới (đợt 2) nếu có điều kiện sẽ tổ chức phun phòng trị bệnh trong lần ra lá này. Việc đảm bảo đúng chu kỳ phun 7 – 10 ngày/lần cũng góp phần quan trọng vào hiệu quả công tác phòng trị bệnh. Thời gian từ lúc lá nhú chân chim đến khi lá ổn định kéo dài trong khoảng 4 tuần, trong khi thuốc chỉ duy trì hiệu lực trong vòng 10 ngày. Do đó, nếu chu kỳ phun kéo dài hơn, thuốc không còn hiệu lực, nếu gặp điều kiện thuận lợi, nấm bệnh có thể tấn công gây hại lá non chưa ổn định. Lần phun thuốc kế tiếp sẽ giữ lại tán lá bị nhiễm bệnh, làm giảm hiệu quả phòng trị.
Về tuân thủ nguyên tắc đúng cách: Yêu cầu phun thuốc phủ đều tán lá đòi hỏi phải có máy phun cao áp phù hợp với chiều cao của vườn cây. Hiện nay, nhiều loại máy phun cao áp khác nhau về kiểu dáng, kết cấu, công suất… đã có mặt trên thị thường, nhìn chung có 3 loại máy phun chính được các đơn vị sử dụng bao gồm: (1) Máy phun Jacto (nhập từ Malaysia) hoạt động ổn định, ít hư hỏng, lượng nước phun khoảng 400 lít/ha, phủ đều tán lá. Độ cao đạt khoảng 18 – 20 m nên chỉ phù hợp trên vườn cao su tơ có tán lá thấp; (2) Máy phun cao áp cải tiến gắn với trục truyền động của máy kéo và (3) máy phun cao áp cải tiến (máy bơm rời) độ cao tầm phun có thể đạt 20 – 25 m với lượng nước phun khoảng 700 lít/ha, phủ đều tán lá. Tuy nhiên, chất lượng của các dạng máy phun cải tiến, tự chế có sự khác biệt rất lớn giữa các đơn vị. Nhiều máy hoạt động không ổn định, hay hỏng hóc trong quá trình phun thuốc. Có những máy không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (tiêu chí phun phủ đều tán lá) cũng đã được sử dụng nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phòng trị bệnh. Bên cạnh đó, một số đơn vị, để đảm bảo kế hoạch đã tiến hành phun thuốc cả ngày, ngay cả khi trời nắng gắt, gây hại trên lá non.
Về tuân thủ nguyên tắc đúng liều lượng: Vấn đề tốc độ di chuyển của máy kéo ảnh hưởng trực tiếp đến lượng thuốc phun/ha thường không được lưu tâm. Một số đơn vị giao khoán mà không định mức thời gian máy phun/ha trong khi công nhân điều khiển máy kéo thường có tâm lý chạy tốc độ nhanh để mau xong việc và tăng năng suất lao động nên không đảm bảo lượng thuốc phun/ha. Cần điều chỉnh tốc độ di chuyển của máy kéo cho phù hợp, qua theo dõi nhiều nơi cho thấy: đối với máy phun Jactor lượng thuốc phun phù hợp từ 300 – 400 lít/ha, đối với các loại máy phun cải tiến, tự chế thì lượng thuốc từ 700 – 800 lít/ha là phù hợp.
Tóm lại: Khi triển khai phòng trị bệnh phấn trắng qui mô đại trà trên vườn cây kinh doanh cần có sự chuẩn bị thật chu đáo và triển khai nghiêm túc. Trong công tác chuẩn bị cần xây dựng kế hoạch sớm, qui hoạch diện tích phù hợp với nguồn nhân vật lực của đơn vị, không triển khai dàn trải, vượt khả năng đáp ứng tại chỗ. Trong quá trình triển khai cần tuân thủ qui trình, phun thuốc tại thời điểm vườn cây ra lá non, lá chưa nhiễm bệnh hoặc mới nhiễm ở mức thấp (cấp 1), đảm bảo chu kỳ xử lý 7 – 10 ngày/lần, không tự ý thay đổi công thức thuốc, sử dụng máy phun đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (về độ cao và lượng thuốc phun phủ kín tán lá, hoạt động ổn định, ít hỏng hóc...), cử cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai. Chỉ khi thực hiện đúng, đủ các yêu cầu kể trên, việc phòng trị bệnh phấn trắng mới đạt hiệu quả cao với vườn cây có bộ lá khỏe, sạch bệnh và ổn định sớm; ngược lại, vườn sẽ nhiễm bệnh ở mức nặng, phiến lá biến dạng, loang lổ, tán lá thưa thớt kéo dài cả năm và gây lãng phí trong đầu tư.