Lợi nhuận tăng
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương và UBND tỉnh Bình Dương, năm 2010, Nông trường Cây Trường đã tiến hành chuyển đổi thành Công ty MTV Cao su Bình Dương theo đúng hướng dẫn và quy định của Chính phủ và UBND tỉnh. Kể từ đây, Công ty Cao su Bình Dương bắt đầu đi vào hoạt động ổn định và phát triển.
|
Công ty Cao su Bình Dương giờ đã đổi thay cả bề mặt lẫn chất lượng sản xuất – kinh doanh |
Hiện nay, công ty đang được cấp phép sử dụng quỹ đất tự nhiên lên đến 1.213 ha. Trong đó, đất trồng cây lâu năm là 1.107 ha, với diện tích đất trồng cây cao su hiện có là 1.079 ha. Đây là tài sản quý giá nhất mà công ty có được sau khi chuyển sang từ mô hình nông trường trước đó. Xác định đây là tư liệu sản xuất đặc biệt, công ty luôn quan tâm sâu sát trong công tác quy hoạch, sử dụng đất. Vì vậy, dù mới chuyển đổi nhưng trong năm 2010 đã không có tình trạng xâm chiếm đất đai, toàn bộ diện tích đất của công ty đã phủ kín cao su, không còn diện tích đất trống, đất không sử dụng.
Thực hiện bước đầu chuyển đổi Công ty Cao su Bình Dương đã nhận được những kết quả đáng khích lệ. Nếu như năm 2009, khi còn hoạt động theo mô hình nông trường, công ty chỉ khai thác được 513 ha, đạt 1.296 tấn mủ thì sang năm 2010, công ty đã khai thác đến 724 ha cao su và thu được 1.693 tấn mủ. Vì vậy doanh thu của công ty cũng tăng vọt từ 11,86 tỷ đồng năm 2009 lên đến 31,3 tỷ đồng trong năm 2010. Chính nhờ vào thành tích đáng khích lệ bước đầu này mà Công ty Cao su Bình Dương đạt được mức lợi nhuận sau thuế lên đến 10,94 tỷ đồng trong năm 2010. So với năm 2009, khi còn là Nông trường Cây Trường, mức lợi nhuận sau thuế của công ty tăng đến 7,62 tỷ đồng (329,45%).
Đầu tư để nâng tầm
Đạt được con số lợi nhuận khả quan kể trên, có thể xem là thắng lợi bước đầu to lớn đối với Công ty Cao su Bình Dương. Chính vì thế, công ty tiếp tục đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2011. Ông Vũ Duy Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cao su Bình Dương cho biết: “Sau khi có được lợi nhuận tốt, chúng tôi quyết định trích lập các quỹ như: quỹ dự phòng tài chính (763,7 triệu đồng), bổ sung vốn kinh doanh (3,5 tỷ đồng), quỹ đầu tư phát triển (2,55 tỷ đồng), quỹ phúc lợi (448,5 triệu đồng), quỹ khen thưởng (192 triệu đồng)... Tất cả các quỹ kể trên đều chỉ để công ty tiếp tục ổn định và phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới”.
|
Nhà máy chế biến mủ cao su sắp khánh thành |
Công tác xây dựng cơ bản của công ty cũng được đẩy mạnh để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất - kinh doanh của công ty. Ban giám đốc công ty xác định xây dựng cơ bản tốt sẽ giúp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty tăng cao và ổn định lâu dài. Dù mới chuyển đổi sang mô hình mới nhưng trong năm 2010, công ty mạnh dạn bỏ ra nguồn vốn lên đến 4,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một số công trình như hội trường, cây xanh, hệ thống chiếu sáng... và bắt tay vào việc xây dựng mới nhà máy chế biến mủ cao su. Chưa hết, hiện nay công ty đang tập trung vào việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy chế biến mủ cao su quy mô lớn với tổng vốn đầu tư lên đến 50 tỷ đồng. Một khi nhà máy chế biến này đi vào hoạt động, giá trị thương phẩm cao su của công ty sẽ được nâng cao và đem lại tỷ suất lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Việc đầu tư nhà máy chế biến cũng là một phần quan trọng trong các chỉ tiêu đã đề ra trong 2011. Theo đó, công ty phấn đấu đạt lợi nhuận sau thuế lên đến 12 tỷ đồng, lương bình quân của cán bộ, công nhân viên công ty đạt từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân đạt 12 - 15 triệu đồng/tháng.