Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp do các công ty và BQL rừng đang quản lý là 11.812,8 ha, trong đó, đã thực hiện giao khoán hơn 6,712 ha. Trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (bên phải) thăm Công ty Cao su Bình Dương |
Qua khảo sát thực tế và báo cáo của các công ty lâm nghiệp, công ty cao su, nhìn chung sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động, các đơn vị đã chủ động trong sản xuất kinh doanh, có lãi và nộp ngân sách nhà nước. Các công ty cũng không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ nhà nước cấp kinh phí như trước đây.
Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Dương, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước năm 2011 đều tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2010. Dự kiến năm 2012, các chỉ tiêu này sẽ tăng gấp 3 - 5 lần so với năm 2010. Thu nhập và đời sống của cán bộ công nhân viên đã được nâng cao. Tiền lương được trả theo cơ cấu chung, ngoài ra còn được chia theo kết quả sản xuất kinh doanh, thu nhập bình quân năm 2011 đạt hơn 12 triệu đồng, dự kiến năm 2012 có thể lên tới 16 triệu đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương, trong đó có những kết quả ban đầu trong thực hiện sắp xếp, đổi mới nông – lâm trường quốc doanh. Qua đợt khảo sát này, có thể thấy rõ chủ trương sắp xếp, đổi mới hoạt động của nông lâm trường quốc doanh là hoàn toàn đúng đắn, do vậy đòi hỏi phải thực sự quyết liệt và chính xác trong tổ chức thực hiện.
Dịp này, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu kỹ, dài hơi hơn về mô hình, trong đó phân tích rõ việc triển khai các bước tiếp theo sau một chu kỳ khoán để từng bước chấn chỉnh, kiện toàn và hoàn thiện cơ chế quản lý.