Giá cao su trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 26/12, giá cao su trên sàn Tocom đã tăng 1,64% lên 211,3 JPY/kg, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 6 tăng 0,9 yên, hoặc 0,4%, lên 209,3 yên (tương đương 1,85 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 18/12, ở mức 209,8 yên/kg trong phiên trước đó và đầu phiên giao dịch ngày thứ ba (26/12).
Ngày 22/12, Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết, một nhóm gồm 3 quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới sẽ giảm xuất khẩu tới 350.000 tấn từ bây giờ cho tới tháng 3 năm sau, nhằm giải quyết vấn đề giá cao su toàn cầu đi xuống. Năm ngoái, 3 quốc gia này đã thống nhất giảm 615.000 tấn cao su trong 6 tháng.
Thông tin này đã ngay lập tức tác động lên thị trường bởi nỗi lo nguồn cung sẽ hạn hẹp, qua đó làm tăng áp lực lên giá.
Việc giá cao su tăng còn bởi giá dầu đi lên mạnh mẽ, hiện ở đỉnh cao nhất trong hơn 2 năm. Giá dầu đắt đỏ làm tăng nhu cầu sử dụng cao su tự nhiên thay thế cho cao su tổng hợp.
Trở lại với việc cắt giảm sản lượng, theo Cơ quan chuyên ngành Cao su Thái Lan, giá tiêu chuẩn của cao su RSS3 đã giảm 45% kể từ cuối tháng 1 trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu từ Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản chậm lại.
3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới quyết định cắt giảm, với Thái Lan sẽ giảm xuất khẩu khoảng 230.000 tấn cao su, Indonesia khoảng 95.000 tấn và Malaysia sẽ giảm khoảng 20.000 tấn.
Bên cạnh việc giảm xuất khẩu, hội đồng cũng thống nhất trong việc tăng việc sử dụng cao su nội địa tại mỗi quốc gia, gồm sử dụng trong các dự án vận tải và cơ sở hạ tầng nhằm giảm sản lượng cao su đang ở mức cao trên toàn cầu.
Thái Lan hiện chỉ sử dụng khoảng 600.000 – 800.000 tấn cao su trong nước. Đầu tháng này, chính phủ Thái Lan cho biết họ đang hướng tới thúc đẩy tiêu thục nội địa đối với cao su lên tới hơn 1 triệu tấn mỗi năm.