3 nước xuất khẩu cao su lớn là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang bàn bạc lấy ý kiến việc cắt giảm xuất khẩu cao su trong 6 tháng cuối năm 2017 nhằm đẩy giá lên cao, theo một số quan chức Chính phủ trong ngành cho hay.
Titus Suksaard, người đứng đầu Cơ quan quản lý Cao su Thái Lan cho biết các quan chức cấp cao sẽ sớm ra quyết định cắt giảm xuất khẩu phù hợp.
Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) sẽ tổ chức một cuộc họp ngắn do Chính phủ Thái Lan đang gấp rút tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ giá ngắn hạn, ông Titus cho hay.
Ông cũng cho biết thêm hiện 3 quốc gia đã đồng ý tổ chức cuộc họp bộ trưởng ngành nông nghiệp của 3 nước trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay nhằm tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ giá dài hạn.
Ông Titus từ chối cung cấp thêm thông tin khi nào quyết định cắt giảm có hiệu lực cũng như quy mô của đợt cắt giảm. Tuy nhiên, một số cán bộ cấp cao tiết lộ lượng cắt giảm có thể bằng so với năm ngoái ở mức 300.000 tấn.
Đại diện từ 3 nước đã tổ chức rất nhiều cuộc họp mỗi năm nhằm tìm kiếm các giải pháp bình ổn giá cao su nếu cần thiết.
Thái Lan, Indonesia và Malaysia là 3 nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới với sản lượng hàng năm lần lượt đạt 4,5 triệu tấn, 3,1 triệu tấn và 720.000 tấn.
Với con số trên, sản lượng cao su cộng dồn của 3 nước chiếm tới hơn 60% tổng lượng cao su trên toàn thế giới là 12 triệu tấn/ năm.
Giá tham chiếu của cao su tờ xông khói Thái Lan giảm 12% từ mức 60,5 baht năm ngoái xuống còn 53,5 baht, tính đến thời điểm hiện tại. Điều này dấy lên tâm lý hoang mang cho nông dân trồng cao su nước này, đặc biệt là ở khu vực phía Nam - nơi chiếm tới khoảng gần 65% sản lượng cao su hàng năm của cả nước.
Mức giá cao su hiện tại đang ở dưới 148 baht/kg hồi năm 2011 - thời điểm giá cao su đạt đỉnh do nhu cầu tăng mạnh. Nguyên nhân của đợt tăng giá năm 2011 là do giá dầu cũng tăng kéo theo cao su tổng hợp cũng tăng theo, kích thích các nhà sản xuất lốp xe sử dụng cao su tự nhiên thay vì cao su nhân tạo để giảm chi phí.
Đợt giảm giá cao su tự nhiên lần này phần lớn là do Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu cao su trong vài tháng trở lại đây. Hiện quốc gia này đang là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới. Trong quý I, lợi dụng đợt giảm giá mạnh, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cao su và tích trữ lại cảng Thanh Đảo.
Một số thương lái cho hay việc nước này nhập khẩu ồ ạt khiến trữ lượng cao su trong nước lên tới 250.000 tấn, cao hơn so với mức bình thường từ 50.000- 60.000 tấn.
Ngoài ra, giá dầu thô giảm xuống mức thấp thời gian gần đây kéo theo giá cao su nhân tạo cũng giảm đã khiến doanh nghiệp quay sang sử dụng loại cao su này. Điều này đồng nghĩa nhu cầu cao su tự nhiên giảm và giá cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, thị trường Thái Lan còn đang vật lộn với tình trạng thừa nguồn cung khi diện tích trồng lên tới 3 triệu rai (tương đương khoảng 480.000 ha). Điều này là lý do tại sao giá cao su tại nước này liên tục phải chịu áp lực. Chính phủ khuyến khích nông dân trồng các loại cây nông nghiệp khác thay vì chỉ tập trung vào cao su để tăng thu nhập đồng thời giảm áp lực về nguồn cung.
Mạng lưới nông dân trồng cao su khu vực phía nam Thái Lan (SRFN) tuần trước cảnh báo họ sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại nếu trước ngày 12/7 Chính phủ không có những biện pháp khắc phục tình trạng giá cao su giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Trước đó, SRFN cũng đã từng gửi đơn kiến nghị thông qua Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan tại Bangkok yêu cầu Chính phủ đưa việc giải quyết mối quan ngại của nông dân trồng cao su thành một trong những chính sách ưu tiên của quốc gia.
Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn cho thị trường cao su vẫn có những "tia sáng". Ông Luckchai Kittipol, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Thái Lan nhận định về cơ bản, thị trường cao su vẫn còn khá mạnh do mùa mưa có thể khiến hoạt động khai thác cao su của cả 3 nước bị gián đoạn từ đó khiến nguồn cung bị suy giảm.
Đức Quỳnh
Theo NDH