Giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) – tham chiếu cho thị trường cao su toàn châu Á – chiều ngày 16/5 tăng lên mức cao nhất 5 tuần theo xu hướng giá dầu thô tăng mạnh trong bối cảnh nhiều nước sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới dự định kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng.
Cao su kỳ hạn giao tháng 10/2017 giá tăng 8,6 yen tương đương 3,9% lên 228 yen (2,01 USD)/kg, mức cao nhất kể từ ngày 11/4/2017.
Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần, giá đã tăng 12,4% (từ mức 206 yen ngày 8/5/2017). Tiếp tục rời xa mức giá thấp nhất 8 tháng chạm tới trong tuần qua, giá cao su trên sàn giao dịch Thượng Hải cũng tăng mạnh, tăng 250 nhân dân tệ so với phiên chiều qua, lên 13.925 nhân dân tệ (2.021,2 USD)/tấn.
Dự trữ cao su trên sàn TOCOM tới thời điểm 30/4 là 1.247 tấn, giảm 85% so với cùng thời điểm một năm trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010 – mức thấp đủ để có thể khiến giá biến động mạnh đột ngột.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho thấy cung cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới 4 tháng đầu năm 2017 thiếu hụt 466.000 tấn, và tổ chức này nhận định tình trạng thiếu cung sẽ còn tiếp diễn tới tháng 12/2017.
ANRPC ngày 12/5 cho biết sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2017 dự báo sẽ tăng 5,7% do hoạt động thu hoạch mủ cao su gia tăng ở những nước sản xuất chủ chốt như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ. Dù vậy, mức sản lượng - dự kiến 12,77 triệu tấn - sẽ vẫn thấp hơn nhu cầu - dự kiến 12,817 triệu tấn – trong năm nay.
Theo ANRPC, thiếu cung sẽ trầm trọng thêm nữa kể từ tháng 4, và sẽ lên tới con số 688.000 tấn vào tháng 6/2017 trước khi giảm còn 46.000 tấn vào tháng 12/2017.
Tuy nhiên, tổng thư ký Hiệp hội, ông Nguyễn Ngọc Bích cho cho biết dù thiếu cung song giá cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi “những yếu tố từ bên ngoài”.
“Giá cao su thiên nhiên đã vào quỹ đạo giảm kể từ tháng 2/2017 do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ gia tăng làm mất hiệu quả của chương trình cắt giảm sản lượng của các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)”. Giá cao su thường theo xu hướng giá dầu, vì cao su thiên nhiên phải cạnh tranh với cao su tổng hợp – sản phẩm của dầu thô.
Các nhà phân tích và các chuyên gia cho biết giá cao su giảm còn biểu hiện xu hướng giảm chung của giá hầu hết các loại hàng hóa chứ không riêng cao su. Thị trường dầu thô được dự báo sẽ hồi phục trong những tháng tới, sẽ hỗ trợ giá cao su hồi phục theo.
Bên cạnh đó, USD mạnh lên như hiện nay sẽ là một trở ngại trong tiến trình hồi phục giá cao su thiên nhiên. Dự báo USD sẽ còn tiếp tục tăng giá ngoại trừ trường hợp Mỹ bắt đầu một chính sách tiền tệ mới theo đó sẽ làm suy yếu đồng USD để thúc đẩy xuất khẩu.
Song thị trường dầu thô đang biến động mạnh khiến thị trường cao su trở nên khó dự đoán. Bên cạnh đó, nhu cầu găng tay cao su thế giới đang tăng đều đặn khoảng 3% mỗi năm cũng góp phần hỗ trợ nhu cầu cao su thiên nhiên tăng. Năm 2016, tiêu thụ mủ cao su thế giới đạt 1,61 triệu tấn, trong đó 70% sử dụng trong ngành găng tay cao su. Các nước châu Á, nhất là Malaysia và Thái Lan là những động lực chính thúc đẩy nhu cầu mủ cao su toàn cầu. Tiêu thụ mủ tăng ở hầu khắp các thị trường từ Malaysia, Thái Lan đến Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka…theo xu hướng tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dẫn tới tổng nhu cầu ở châu Á (trừ Trung Quốc) tăng 4,4%. Riêng tiêu thụ mủ ở Trung Quốc tăng mạnh với tốc độ 5,3% trong quý 4/2016 so với cùng kỳ năm trước đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo giá “các loại hàng hóa” trong năm 2017 sẽ tăng trung bình 18% so với năm 2016. Thị trường cao su thiên nhiên luôn theo xu hướng giá hàng hóa chung.
Tăng trưởng sản lượng cao su thiên nhiên đã trì trệ suốt 3 năm qua do giá giảm, nhưng việc giá tăng gần đây sẽ đẩy tăng sản lượng trong năm 2017.
Sản lượng của Thái Lan, nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, dự báo sẽ tăng 5,1% trong năm 2017 lên 4,381 triệu tấn, trong khi của Việt Nam có thể tăng 8,5% lên 1,12 triệu tấn.
Nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – chắc chắn sẽ tăng lần lượt 1,3% và 3,5%.
Nhập khẩu cao su thiên nhiên của Ấn Độ năm 2017 có thể giảm 30,5% so với năm trước, xuống 320.000 tấn, do sản lượng trong nước ước tăng khoảng 20%.
Vân Chi
Theo Trí thức trẻ/Cafef.vn