Thực tế này đang cho thấy cái giá quá đắt phải trả khi phát triển nông nghiệp quá nóng vội, thiếu quy hoạch, và đặc biệt là khai thác giá trị dựa trên xuất thô mà nước ta đang tiến hành hiện nay.
Mười hộ dân tại xã Phú Lộc, huyện Krong Năng tỉnh Đắc Lắc vừa đồng loạt chặt bỏ 20 hecta cao su để trồng loại cây mới. Chị Nguyễn Thị Bảy, một trong 10 hộ dân cho biết, đã mấy tháng nay chị bỏ cạo mủ cao su vì giá xuống quá thấp, không đủ bù công thuê người cạo.
Chị Bảy chia sẻ: Hai năm gần đây giá mủ hạ lắm. Làm mãi cũng chỉ đủ giả công với mỗi ngày như nhà tôi 2 ha thì may ra được trăm rưỡi hai trăm một ngày thôi. Chả đủ nên thôi tôi chặt đi để trồng cây khác.
Ông Lê Đình Hưng, xã Phú Lộc, huyện Krong Năng tỉnh Đắc Lắc cũng khẳng định: Năm nay giá cả mủ cao su cũng thấp quá. Hai nữa là cây nó cũng già rồi. Thu mủ nó kém thì cũng muốn bán cây đi trồng cây khác vào.
Theo bà con nông dân, chưa có năm nào giá mủ cao su hạ thấp như năm nay. Đỉnh điểm có đợt hạ xuống mức 5000 đ/kg mủ. Cá biệt tình trạng chặt bỏ cao su không chỉ diễn ra ở quy mô hộ nông dân mà còn ở quy mô doanh nghiệp, như vườn cao su của công ty cao su Krong Buk.
Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Lắc, ông Nguyễn Hoàng Dương nhấn mạnh: Thật ra trước khi mà cái giá mủ cao su lên cao thì có những vùng không hợp với cây này dân cũng đua nhau trồng. Thì giờ giá nó xuống thấp họ chặt bỏ.
Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết thị trường trong nước hiện chỉ tiêu thu khoảng 154.000 tấn cao su, chiếm khoảng 16 - 20% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong cả nước, 80% sản lượng còn lại phải xuất thô. Giá cả lại chủ yếu thông qua thỏa thuận, không có sàn giao dịch nên rủi ro biến động giá rất cao.
Nguyên cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Trí Ngọc cho hay: Rất cần một cái tư duy đổi mới để đầu tư vào một ngành hàng nào đó phải tuân theo một chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả của đối tượng ngành hàng đó, và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thì bài toán cao su cũng nằm trong tình trạng đó.
Diện tích cao su tại Việt Nam sau thời gian phát triển quá nóng đã đạt xấp xỉ 1 triệu ha - vượt mục tiêu 800.000 ha ban đầu. Sự phá vỡ quy hoạch, cộng với tình trạng xuất thô đã đẩy giá cao su xuống thấp, gây nên hiện tượng chặt bỏ ồ ạt loại cây này không chỉ tại Tây Nguyên, mà còn tại Đông Nam Bộ - nơi vốn được coi là vựa cao su của Việt Nam.
Song song với tìm lời giải cho bà con nông dân, thực trạng này cũng là lời cảnh tỉnh cho việc xây dựng các ngành hàng khác để tránh tình trạng lợi thế phát triển nhiều, giá trị kinh tế chẳng bao nhiêu.
Những cây cao su bị chặt là những cây cao su nhiều năm tuổi, cho năng suất kém. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do giá mủ xuống quá thấp, có thời điểm xuống đến 5000đ/kg cao su, không bù đắp mức giá nhân công cạo mủ. Một thực tế đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc tái quy hoạch diện tích trồng cao su, hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị cao khác.
Theo ANTV