Theo sự giới thiệu của Bộ Kinh tế Công thương Nhật Bản, Đoàn doanh nghiệp E-Kansai vừa phối hợp với Hiệp hội Cao su VN (VRA) tổ chức Hội thảo: “Giới thiệu về công nghệ xử lý chất thải của Nhật Bản”. Tại hội thảo, các công ty của Nhật Bản đã lần lượt giới thiệu những điểm mạnh của mình. Công ty Cổ phần Horiba - chuyên sản xuất và thương mại các thiết bị kiểm tra ô tô, thiết bị đo đạc môi trường, thiết bị đo đạc khoa học, thiết bị đo đạc y tế, thiết bị đo đạc bán dẫn. Công ty này còn sản xuất và thương mại các chủng loại thiết bị đo đạc chất lượng nước sử dụng trong các thiết bị xử lý nước thải như pH, ORP, DO, độ đục, SS, tỷ suất dẫn điện, COD, TP/TN... Kỹ thuật đo, hệ thống đo trong xử lý nước, đặc trưng của sản phẩm là không dùng hóa chất thử mà đo COD liên tục nhờ phương pháp UV (không dùng hóa chất thử độc hại nên xử lý nước thải dễ dàng), đo được từ nồng độ thấp đến nồng độ cao chỉ với 1 máy đo nhờ các tế bào luân chuyển (có thể đặt giới hạn đo từ 0-0.5 Abs cho tới 5 Abs) và có thể đo liên tục trong thời gian dài mà không cần bảo dưỡng nhờ có cần gạt làm vệ sinh liên tục.
Công ty Toyoscreen hoạt động kinh doanh về linh kiện, máy móc, thiết bị liên quan đến phân tách, phân cấp, cô đặc, tách nước, thiết kế chế tạo, bán máy và thiết bị bảo vệ môi trường. Sản phẩm công ty đem đến giới thiệu tại buổi hội thảo là sản phẩm lưới lọc Wedge wire. Đây là loại lưới đa mục đích, cỡ mắt khoảng 0,1-5mm; vật liệu SUS304 (Tiêu chuẩn), SU316L (Gần tiêu chuẩn), Titan... Đặc trưng của mắt lưới là phù hợp với yêu cầu sử dụng, ít bị tắc, chắc khỏe, độ chính xác cao nhờ sắp xếp các dây lưới có mặt cắt hình tam giác ngược cách đều nhau, có thể ứng dụng rộng rãi để phân tách, cô đặc, tách nước, lọc trong mọi lĩnh vực công nghiệp. Công ty này còn giới thiệu sản phẩm Ultra TN screen - thiết bị phân tách chất rắn với chất lỏng dạng nghiêng..., được sử dụng xử lý nước thải cho nhà máy hóa chất liên quan đến hóa học, nhuộm, cao su tổng hợp...
Ngoài ra, các Công ty TNHH Sanicon, Công ty Aoyama Ecosystem, Haidang Japan Office… cũng giới thiệu hệ thống thiết kế xử lý nước thải với công nghệ Nhật Bản.
Tại hội thảo, các đơn vị trong ngành cao su đã quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi thảo luận. Ông Nguyễn Văn Tược – Phó TGĐ Công ty CPCS Phước Hòa, cho biết: “Khó khăn lớn nhất của đơn vị hiện nay là chỉ số phốt pho trong xử lý nước thải quá cao, vượt mức cho phép. Nếu các công ty Nhật Bản giới thiệu được công nghệ xử lý hệ số phốt pho dưới hoặc bằng 4 thì quá tốt. Đơn vị sẵn sàng hợp tác”. Ông Đặng Quang Trung - Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho rằng, khó khăn lớn nhất của các đơn vị trong VRG về xử lý nước thải là tìm kiếm công nghệ tốt có giá thành thấp, tiết kiệm chi phí. Còn đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé băn khoăn, hiện nay khó khăn chung khi xử lý nước thải chế biến cao su là thường bị hư máy thổi khí vì có những hạt cao su dính bám. Công ty đã sử dụng hóa chất cho đông, kết tủa lại nhưng giá thành hơi cao. Sử dụng một thời gian dài, vẫn bị hiện tượng tự đông tụ gây mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Hiện tại, công ty đã giảm 30-40% hóa chất đông tụ để tiết kiệm chi phí, thay hệ thống xử lý nước thải có mắt lưới nhỏ hơn nhưng vài ngày vẫn bị nghẹt, cạo phần hạt cao su dính bám này ra thì một phần bị dính lại ở mắt lưới không thể sử dụng được. Nếu các công ty Nhật Bản xử lý được các vấn này thì công ty sẵn sàng hợp tác.
Các công ty Nhật Bản đều cho rằng, những vấn đề các công ty cao su nêu đều có thể giải quyết được với công nghệ Nhật Bản, có giá cả tiết kiệm. Về lâu dài, hai bên sẽ có nhiều cuộc hội thảo, xúc tiến trực tiếp để mở ra các cơ hội hợp tác.
Theo Minh Tâm (caosuvietnam.net)
|