Kế hoạch lợi nhuận xa tầm với
Năm nay, giá tiêu thụ mủ cao su càng về cuối năm càng sụt giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Đây là nguyên nhân chính chính khiến lợi nhuận 9 tháng đầu năm của các DN ngành cao su giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và cách khá xa so với kế hoạch năm.
9 tháng đầu năm 2013, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đạt 259 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 62,6% cùng kỳ năm ngoái và tương đương hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Tương tự, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đạt 256 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong ba quý đầu năm, bằng 56,5% cùng kỳ năm ngoái và tương đương hơn 51% kế hoạch năm. Kết quả kinh doanh của CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) đỡ bi bét hơn khi kết thúc tháng 9/2013 đạt 171 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 66,8% kế hoạch năm.
Cũng như nhiều năm trước, năm nay, các DN luôn thận trọng khi phê duyệt kế hoạch giá bán cao su bình quân trong năm. Đây là mức giá thường đảm bảo cho DN vượt kế hoạch ở mức đáng kể, qua đó mang lại hiệu ứng tích cực cho giá cổ phiếu mỗi khi DN công bố kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, điều không mong muốn đã xảy ra vào năm 2013 này, khi giá bán cao su thấp tương đối so với mức giá kế hoạch. Đơn cử, trường hợp của DPR, 9 tháng đầu năm nay, giá tiêu thụ chỉ đạt bình quân 55 triệu đồng/tấn (cùng kỳ năm ngoái đạt 63,3 triệu đồng/tấn), trong khi kế hoạch phê duyệt là 62 triệu đồng/tấn.
Đáng chú ý, mặt bằng giá hiện tại đang thấp hơn đáng kể so với mức giá tiêu thụ bình quân mà các DN đạt được sau 9 tháng, dù mức giá bình quân 9 tháng là 55 triệu đồng/tấn đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Giữa tháng 10 này, các DN chỉ tiêu thụ được mủ cao su với giá trên dưới 50 triệu đồng/tấn, thấp hơn 12 triệu đồng/tấn so với kế hoạch phê duyệt đầu năm. Do cung đang tăng, trong khi sức cầu chưa phục hồi, nên các DN dự báo, mức giá 50 triệu đồng/tấn nếu duy trì được từ nay đến cuối năm đã là tích cực. Bởi lẽ, giá mủ cao su vẫn có những tín hiệu giảm thêm, nhất là áp lực tăng cung mạnh vào cuối năm do bước vào vụ thu hoạch rộ mủ cao su.
Giữa năm nay, do chênh lệch giữa giá bán và giá kế hoạch chỉ khoảng 2 triệu đồng/tấn, nên các DN một mặt hy vọng giá tiêu thụ phục hồi, mặt khác sẽ tăng sản lượng mủ cao su khai thác, chế biến và tiêu thụ, để bù đắp cho phần hụt giá, qua đó hy vọng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm. Tuy nhiên, toan tính này hiện bị… phá sản, do mức chênh lệch giá đang lên tới 12 triệu đồng/tấn.
Sẽ giảm kế hoạch lợi nhuận
Với mức chênh lệch giá quá lớn nêu trên, các DN thừa nhận, họ không có cách gì để bù đắp được, nên đang chờ công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) điều chỉnh kế hoạch giá tiêu thụ mủ cao su, để làm cơ sở điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2013.
PHR là đơn vị công bố sớm nhất lộ trình điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, ngày 31/10 tới là thời hạn đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2013.
Ông Phạm Phi Điểu, người công bố thông tin của DPR cho biết, Công ty đang chờ VRG chốt phương án điều chỉnh giá tiêu thụ và giá thành, để xây dựng phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2013, trên cơ sở đó trình cổ đông xem xét quyết định.
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Minh Châu, Phó tổng giám đốc VRG cho hay, do mặt bằng giá cao su hiện giảm còn 50 triệu đồng/tấn và đang có những biến động khó lường, nên VRG cần theo dõi thêm trước khi điều chỉnh giảm kế hoạch giá tiêu thụ cao su cho năm nay. VRG đang xây dựng phương án giá tiêu thụ mủ cao su quanh mức 50 triệu đồng/tấn và giá thành là 40 triệu đồng/tấn. Dự kiến, cuối tháng 10 này, VRG sẽ phê duyệt mức giá điều chỉnh để các đơn vị thành viên như DPR, PHR, TRC… làm cơ sở điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh tương ứng.
Đến thời điểm này, các DN chưa xác định mức điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đầu năm, nhưng với mức giá tiêu thụ được VRG dự kiến điều chỉnh giảm còn 50 triệu đồng/tấn so với mức 62 triệu đồng/tấn, thì mức độ sụt giảm các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của các DN là khá lớn.
Hữu Đạo
Đầu tư chứng khoán