Đốn cao su trồng sầu riêng
Ông Trường ngụ xã Tân Phước, huyện Bù Gia Mập có 4ha cao su 6 năm tuổi. Đầu mùa mưa này vườn cao su bắt đầu cho khai thác nhưng ông Trường vừa quyết định cưa bỏ toàn bộ để lấy đất trồng sầu riêng. “Với giá mủ thấp như hiện nay (có thời điểm dưới giá thành) nếu có mở miệng khai thác cũng lỗ vì chi phí nhân công, phân bón hiện rất cao, còn giữ lại thì phải tự cạo, tức bỏ công làm lời. Còn chờ giá tăng thì biết đến bao giờ. Trong khi đầu tư trồng sầu riêng thời gian cho thu hoạch nhanh hơn, giá cả cũng tương đối ổn định, do đó tôi đã quyết định chặt cao su trồng sầu riêng bởi những năm đầu có thể tận dụng diện tích đất để trồng các loại cây ngắn ngày lấy thu nhập đắp vào công chăm sóc, phân bón”, ông Trường nói. Ông Trường cho biết thêm, ông có 1ha sầu riêng mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí.
Tương tự, ông Bường, ngụ phường Long Phước, thị xã Phước Long cũng vừa cưa 3ha cao su hơn 12 năm tuổi đang thời kỳ cho khai thác mủ nhiều để lấy đất trồng điều. Ông Bường nói: “Khi cưa cao su trồng điều nhiều người bảo tôi là khùng bởi bây giờ người ta đang đốn điều thì tôi lại trồng điều, nhưng nếu cứ trông chờ vào giá mủ tăng thì chết đói. Nếu chăm sóc tốt 1ha điều có thể đạt 4 tấn, như vậy giá điều thấp ở mức 25.000 đồng/kg thì vẫn cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản cho phí”.
Ông Bường cho biết thêm: Hiện nay nhu cầu sử dụng hạt ca cao trên thế giới vẫn tăng, cung không đủ cầu. Ngoài ra cây ca cao không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhưng lại nhanh cho thu hoạch, năng suất ổn định, có thể cạnh tranh được với cà phê và một số cây trồng khác. Do đó, ông Bường quyết định sử dụng diện tích đất sau này trồng xen cây ca cao trong điều để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. “Nếu trồng xen ca cao vào các vườn điều sẽ rất có lợi cho người trồng, vì cây ca cao được hưởng bóng mát của cây điều. Ngược lại, cây điều sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây ca cao. Nếu chăm sóc tốt, tổng thu nhập cả điều và ca cao sẽ cao hơn gấp đôi so với chỉ trồng chuyên canh cây điều”, ông Bường nói.
Theo ghi nhận, cũng do giá mủ thấp nên nhiều hộ quyết định treo vườn để chờ giá tăng. Ông Hùng ngụ xã Bình Sơn, huyện Bù Gia Mập có 3ha cao su 10 năm tuổi đã bỏ hoang từ giữa năm ngoái. “Giá mủ thấp trong khi giá nhân công cao, vả lại muốn mủ nhiều thì phải chi phí cho phân bón. Có cạo cũng huề hoặc lỗ nên tôi bỏ vườn, chờ đến cuối năm nay nếu giá mủ không tăng thì tôi cưa để trồng chanh, quýt”, ông Hùng nói. Hiện nhiều hộ nông dân quyết định cưa cao su để trồng các loại cây trồng khác còn do giá gỗ cao su hiện ở mức cao. 1ha cao su 12 năm tuổi trở lên bán gỗ hiện được từ 140-160 triệu đồng. Với số tiền thu được từ bán gỗ cao su nông dân có thể đủ chi phí để tái đầu tư trồng cây trồng khác.
Giá mủ cao su giảm ảnh hưởng lớn thu ngân sách tỉnh
Ngày 28/7, ông Trần Ngọc Trai, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Phước cho biết, giá bán mủ cao su những tháng đầu năm 2014 giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá bán mủ cao su bình quân sáu tháng đầu năm 2014 là 42 triệu đồng/tấn, trong khi sáu tháng đầu năm 2013 ở mức 65 triệu đồng/tấn và giảm 23% so với giá dự toán Bộ Tài chính giao (Bộ Tài chính giao giá bán mủ cao su bình quân 55 triệu đồng/tấn). Cũng do giá bán thấp nên lượng mủ cao su của các doanh nghiệp trong tỉnh tồn kho ở mức 24.873 tấn, tăng 59% so cùng kỳ năm trước. “Giá mủ giảm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2014 được 1.448 tỉ đồng, đạt 36,2% kế hoạch.
Chỉ riêng khoản giảm thu do giảm giá cao su năm 2014 khoảng 300 tỷ đồng, do đó tỉnh phải sử dụng các nguồn tăng thu khác để bù đắp cho ngân sách tỉnh. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước vừa qua (diễn ra trong hai ngày 24 và 25/7), HĐND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh thu ngân sách giảm còn 3.500 tỉ đồng (thay vì 4.000 tỉ đồng theo kế hoạch đầu năm 2014 của HĐND tỉnh đề ra). Dự báo trong thời gian tới giá mủ cao su sẽ tiếp tục giảm”, ông Trai nói.
Giải thích về tình trạng nhiều hộ nông dân trong tỉnh đốn hạ cao su trồng các loại cây trồng khác, ông Trai cho rằng trong những năm qua do tình hình giá mủ cao su biến động theo chiều hướng xấu (giảm trong thời gian dài và không có dấu hiệu hồi phục, thị trường xuất khẩu ảm đạm) nên nông dân thường có xu hướng chặt bỏ cây trồng này trồng cây khác để đảm bảo có lợi nhuận. Đây là tình trạng chung trong cả nước mà Chính phủ cũng đang nghiên cứu các giải pháp khắc phục. Để ngăn chặn tình trạng đốn cao su, ông Trai cho biết, cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều địa phương, đơn vị, đặc biệt các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các trung tâm khuyến nông, các hội nông dân… cần có biện pháp vận động nông dân bình tĩnh, đồng thời tìm kiếm các loại cây trồng có năng suất và giá cả ổn định đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận khi trồng loại sản phẩm này.
Theo Đức Trí (CAND)