Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố một mặt tuyên truyền, vận động người trồng cao su bình tĩnh, tiếp tục duy trì việc chăm sóc vườn cây cao su vừa đảm bảo chi phí đầu tư, vừa đảm bảo sinh trưởng vườn cây trước những biến động về giá cả thị trường mủ cao su hiện nay; mặt khác tiếp tục tổ chức phát triển cao su theo quy hoạch, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng cao su với nhà sản xuất, chế biến trên địa bàn để hạn chế những rủi ro, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình liên kết sản xuất.
Đối với các hộ tham gia Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, UBND tỉnh khuyến cáo người dân không tự ý chặt bỏ vườn cây chuyển đổi sang trồng cây khác hoặc chuyển nhượng vườn cây cho đối tượng khác như đã cam kết khi đăng ký tham gia Đề án.
Đối với diện tích cao su hết chu kỳ khai thác cần tái canh, diện tích trồng mới hàng năm cần sử dụng cơ cấu giống cao su mới có năng suất, chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; đồng thời trồng cây xen cây ngắn ngày phù hợp trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để tăng thu nhập, giảm chi phí đâu tư.
Thống kê ban đầu của ngành chức năng tỉnh Kon Tum, đến hết tháng 5/2014, tổng diện tích cây cao su người dân địa phương phá bỏ chuyển sang trồng cây khác khoảng 50 ha.
N.H.Khô (CAND)