Giá giảm, lợi nhuận giảm
Đặc thù của các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu cao su thiên nhiên là hoạt động tập trung vào ngành kinh doanh chính. Việc đầu tư tài chính nếu có cũng chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể. Vì vậy khi doanh thu thuần giảm, biên lãi gộp thấp, kết quả kinh doanh trong kỳ ngay lập tức giảm sút mạnh.
Điển hình là CTCP Cao su Phước Hòa (PHR). Theo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 8-2013 vừa được PHR công bố, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đều sụt giảm mạnh.
Cụ thể, doanh thu giảm 4% còn 146 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 26,7% còn 22 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng, PHR đạt 957 tỷ đồng doanh thu (giảm 26,9%), lợi nhuận trước thuế đạt 222 tỷ đồng (giảm 44,5%).
Nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh do sản lượng tiêu thụ trong tháng 8 giảm 26,9%, trong khi giá bán bình quân (ASP) giảm 18%.
Thực tế, nhu cầu cao su trên thị trường thế giới giảm đã làm giá cao su giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp cao su. Từ kết quả này, dự báo lợi nhuận quý III-2013 của PHR tiếp tục sụt giảm mạnh, kéo giảm lợi nhuận cả năm 2013.
Việc PHR đi xuống khiến không ít nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu cao su lo lắng, bởi đây là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong 5 doanh nghiệp cao su niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thực tế, PHR là doanh nghiệp có quy mô rừng cao su lớn và sản phẩm giá trị cao chiếm tỷ trọng lớn, đa dạng, đã tạo lợi thế cạnh tranh cho PHR so với các doanh nghiệp niêm yết còn lại. Tương tự, mặc dù hoạt động kinh doanh vẫn bình thường nhưng giá cao su giảm mạnh, đã gây ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR). Theo báo cáo tài chính quý II-2013, lợi nhuận của DPR tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ năm 2012.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc DPR, nguyên nhân do ASP giảm hơn 14,4 triệu đồng/tấn (tương đương 20,57% so với cùng kỳ năm ngoái). Với mức giá bình quân hiện tại vào khoảng 57 triệu đồng/tấn, doanh thu ước tính mang về trong quý III của doanh nghiệp này vào khoảng 336-367 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng dự kiến đạt 753-780 tỷ đồng, tương đương 52-54% kế hoạch cả năm. Như vậy, khả năng không hoàn thành kế hoạch năm của DPR rất lớn.
Trong số các doanh nghiệp cao su niêm yết, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) ít chịu tác động nhất và mức sụt giảm lợi nhuận cũng thấp nhất. Việc duy trì được nguồn lợi nhuận ổn định bởi TRC là một trong số ít các doanh nghiệp trong nước có sản phẩm chính là mủ ly tâm (chiếm 70% doanh thu), trong khi ASP của sản phẩm mủ ly tâm chỉ sụt giảm 13,9%. Hiện 50% sản phẩm của TRC xuất khẩu sang Indonesia và 50% tiêu thụ trong nước. Theo báo cáo tài chính quý II-2013, TRC ghi nhận mức doanh thu đạt 237 tỷ đồng (giảm 31,3%), lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng (giảm 3,9%).
Săm lốp hưởng lợi
Trái ngược với sự tụt dốc của doanh nghiệp khai thác chế biến, các doanh nghiệp săm lốp lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm. Điển hình là CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM). Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 8-2013 vừa được công bố, doanh thu và lợi nhuận của CSM đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, lũy kế 8 tháng với doanh thu đạt 2.079 tỷ đồng và 295 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy CSM đã vượt kế hoạch 275 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đưa ra từ đầu năm. Dự báo cả năm 2013, doanh thu của CSM ước đạt 3.252 tỷ đồng (tăng 6,8%), trong khi lợi nhuận sau thuế ước đạt 308 tỷ đồng (tăng 21,3%). Hiện nay CSM đang có hợp đồng lớn cung cấp sản phẩm cho Continetal (Đức), Continetal Simetyre (Malaysia) và Ô tô Trường Hải. CSM cũng là doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất lốp Radial toàn thép. Dự kiến nhà máy bắt đầu chạy thử từ tháng 11-2013 và bắt đầu vận hành sản xuất chính thức từ tháng 3-2014.
CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng hưởng lợi đáng kể. Trong khi doanh thu năm 2012 chỉ tăng nhẹ 7%, nhưng lợi nhuận tăng đến 58% so với cùng kỳ và vượt 81% kế hoạch. Việc giá cao su nguyên liệu đầu vào hiện nay duy trì ở mức thấp có ý nghĩa khá lớn trong giai đoạn đầu nhà máy sản xuất lốp Radial đi vào hoạt động.
Chính vì vậy, DRC đặt kế hoạch năm 2013 đạt 3.020 tỷ đồng doanh thu (tăng 8%) và 417 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tương đương năm 2012). Theo báo cáo tài chính quý II-2013, lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, DRC ghi nhận 1.417 tỷ đồng doanh thu và 250 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kết quả này, khả năng DRC hoàn thành chỉ tiêu cả năm là điều hoàn toàn có thể.
Doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết còn lại là CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) cũng ghi nhận kết quả tốt nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Theo báo cáo tài chính năm 2012, tỷ suất lợi nhuận của SRC tăng từ 8,5% lên 15,4%. Đây là năm SRC đạt được tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong giai đoạn 2010-2012. Thậm chí, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của SRC còn khả quan hơn. Điều này thể hiện trong báo cáo tài chính quý II-2013: lợi nhuận sau thuế của SRC đạt hơn 18,2 tỷ đồng (tăng 77,7% so với cùng kỳ).
http://www.bvsc.com.vn