Nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc ngày càng tăng
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp lớn nhất thế giới, với lượng nhập khẩu liên tục tăng mạnh kể từ đầu năm nay.
Theo số liệu chính thức, nhập khẩu cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 4,45 triệu tấn.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao su của Trung Quốc thậm chí cao hơn cả nhập khẩu nhiều loại hàng hóa khác như dầu thô (tăng 12,2%), than (tăng 14,2%), quặng sắt (tăng 6,7%). Trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu đồng thô của Trung Quốc thậm chí giảm 12,7%, nhập khẩu quặng và tinh quặng đồng cũng chỉ tăng nhẹ 2,8%.
Xét riêng với cao su, nhập khẩu cao su tổng hợp đang nhỉnh hơn so với cao su thiên nhiên tính đến thời điểm hiện tại của năm 2017, theo số liệu tháng 7 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cụ thể, nhập khẩu cao su tổng hợp trong 7 tháng đầu năm nay tăng vọt 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,29 triệu tấn. Trong khi đó, nhập khẩu cao su thiên nhiên tăng 21,8% trong cùng giai đoạn lên 1,59 triệu tấn.
Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc lớn nhưng giá cao su vẫn đang giảm
Tuy nhiên, một nghịch lý xảy ra là dù Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ cao su lớn như vậy, nhưng cao su thiên nhiên lại là một trong những hàng hóa giảm mạnh nhất kể từ đầu năm nay.
Giá hợp đồng cao su được giao dịch nhiều nhất trên sàn Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) chốt phiên 18/9 ở 15.345 nhân dân tệ/tấn (2.336 USD/tấn), giảm 15,5% so với cuối năm ngoái.
Hợp đồng cao su giao tháng 2/2018 trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (TOCOM) cũng chốt phiên 15/9 ở 221,1 yen/kg (1,98 USD/kg), giảm 16,2% so với cuối năm ngoái.
Lý do chính khiến giá cao su thiên nhiên giảm mạnh trong năm nay là xu hướng về nguồn cung.
Hãy xem phản ứng của giá cao su thiên nhiên vào ngày 15/9, thời điểm mà ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia, quyết định không giảm sản lượng.
Trong phiên giao dịch hôm đó, giá hợp đồng cao su giao tháng 1/2018 trên sàn SHFE giảm 2,8% và giá hợp đồng giao tháng 2/2018 trên sàn TOCOM cũng giảm 2,9%.
Trong nhiều năm trở lại đây, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, vốn chiếm khoảng 70% nguồn cung cao su thiên nhiên trên toàn cầu, đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa sản lượng nhưng không đạt được mấy kết quả.
Trước đó vào tháng 2/2016, tuyên bố chung của ba nước này về việc giảm 615.000 tấn cao su thiên nhiên, tương đương khoảng 6% nguồn cung toàn cầu, đã đẩy giá cao su tăng mạnh nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Để giá cao su phục hồi…
Hiện nay, động lực lớn nhất có thể giúp giá cao su tăng là tâm lý lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, giống như thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay khi miền nam Thái Lan hứng chịu đợt mưa lũ nghiêm trọng, đe dọa đến ngành sản xuất cao su.
Vào thời điểm đó, giá cao su TOCOM chạm đỉnh 326,4 yen/kg vào ngày 14/2, tăng hơn hai lần so với mức giá ghi nhận được vào tháng 9/2016.
Ngoài yếu tố liên quan đến nguồn cung, giá cao su thời điểm đó tăng một phần nhờ kỳ vọng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng cường chi tiêu vào cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, việc giá dầu thô phục hồi cũng hỗ trợ phần nào cho giá cao su khi đó.
Tuy nhiên, đà phục hồi của cao su không duy trì được bao lâu khi thị trường nhận ra rằng, nguồn cung cao su thiên nhiên vẫn còn rất lớn. Kết quả là, giá cao su TOCOM giảm mạnh tới 44% trong giai đoạn từ ngày 14/2 đến đầu tháng 6.
Hơn nữa, thị trường cũng mất dần niềm tin vào khả năng cầm quyền của ông Trump; trong khi các nước sản xuất dầu thô lớn vẫn chật vật tìm cách tái cân bằng thị trường dầu mỏ.
Rõ ràng là, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc không đủ mạnh để kéo thị trường bớt lo ngại về tình trạng dư cung, từ đó đẩy giá cao su phục hồi.
Giá cao su sẽ vẫn khó phục hồi mạnh mẽ cho tới khi các nước sản xuất cao su lớn có thể thuyết phục thị trường rằng họ đang nghiêm túc cắt giảm sản lượng.
Vũ Thắng
Theo Kinh tế & Tiêu dùng